Xiaomi qua mặt Apple tại Trung Quốc

5 tháng đầu năm 2014, Xiaomi chiếm 21% lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc, xếp ngay sau Samsung với 23% và đứng trên thị phần 16% của Apple.

Dù mới ra mắt mẫu điện thoại thông minh đầu tiên vào năm 2011 nhưng Xiaomi đã có nhiều bước tiến đáng kể. Nhà sản xuất Trung Quốc được biết đến như “bản sao” của Apple đã nhanh chóng vươn lên và giữ vững vị trí thứ hai tại thị trường nội địa, báo cáo của Kantar cho biết.


Thống kê giá trị smartphone bán ra từ đầu năm đến 5/2014 tại Trung Quốc.

Công ty nghiên cứu thị trường trên cho hay, lượng người dùng nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên smartphone đã thúc đẩy hoạt động bán hàng của Xiaomi nhưng phần lớn thương hiệu Trung Quốc được bán cho người đã sở hữu điện thoại thông minh. Khảo sát từ đầu năm đến 5/2014, gần 70% khách hàng của Xiaomi trước đó đã trang bị smartphone và 20% người dùng sở hữu trên một mẫu điện thoại của Xiaomi.

Mặc dù vị trí thứ 2 của Apple bị Xiaomi vượt qua nhưng doanh số của “Táo Khuyết” không bị ảnh hưởng tại Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết, định vị sản phẩm của Xiaomi và Apple là hoàn toàn khác nhau và chỉ có dưới 5% người dùng iPhone chuyển sang smartphone của Xiaomi.

Các thương hiệu smartphone Trung Quốc khác và Samsung là đối tượng để mất khách hàng vào tay Xiaomi. Báo cáo chỉ ra rằng, 17% người dùng bỏ thương hiệu Hàn Quốc và 21% người dùng thuộc 5 nhà sản xuất nội địa (Huawei, ZTE, Lenovo, Coolpad, Oppo) chuyển sang Xiaomi. Công ty phân tích đưa ra dự đoán, Xiaomi có thể sớm trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc.

Nghiên cứu thị trường 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất quý II/2014 của IDC.

Tại thị trường toàn cầu, báo cáo được IDC đưa ra cuối tháng 7 cho biết, doanh số bán smartphone quý II/2014 tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện thoại thông minh đang dần thay thế điện thoại cơ bản với lượng smartphone bán ra kỷ lục đạt 295,3 triệu máy. Các nhà sản xuất Trung Quốc được cho là nhân tố thúc đẩy doanh số smartphone đồng thời cũng khiến Apple và Samsung tăng trưởng chậm lại.

Trong 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, cả ba thương hiệu Samsung, Apple và LG đều có tăng trưởng dưới mức trung bình chung. Samsung tiếp tục là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới song đại diện Hàn Quốc đã tăng trưởng âm 3,9% trong nửa đầu năm 2014 kéo theo sụt giảm thị phần còn 25% so với 32% cùng kỳ năm ngoái. Lượng iPhone bán ra tăng chậm khiến thị phần Apple sụt 1%. Mặc dù có tăng trưởng gần 20% song thị phần của LG không có gì thay đổi.

Thị trường smartphone chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng của các nhà sản xuất Trung Quốc. Huawei đã bán ra 20 triệu thiết bị trong nửa đầu năm 2014, gần gấp đôi sản lượng cùng kỳ năm trước. Thị phần của hãng cũng tăng từ 4,3% lên 6,9% với mức tăng trưởng đạt 95%. Nhà sản xuất Trung Quốc khác là Lenovo cũng có tiến triển khá, đạt 38% mặc dù hãng chịu sức ép rất nhiều từ chính những công ty nội địa.

Các công ty Trung Quốc đặc biệt là sự thành công của Xiaomi được ví như câu chuyện cổ tích trong làng điện thoại di động. Nhà sản xuất Xiaomi được biết đến với những sản phẩm "chịu ảnh hưởng" bởi Apple và bán hết sạch chỉ sau vài phút cho đặt hàng. Tuy nhiên điện thoại của hãng đang bị nghi ngờ cài đặt phần mềm gián điệp.

    Chưa thể kết luận điện thoại Xiaomi lén gửi dữ liệu về TQ

    Các chuyên gia làm trong ngành bảo mật tại Việt Nam cho biết "nghi án" điện thoại Xiaomi lén gửi dữ liệu cá nhân của người dùng về Trung Quốc là thiếu cơ sở, không thuyết phục.

    "Nghi án" điện thoại Xiaomi lén gửi dữ liệu riêng tư của người dùng bắt đầu từ khi một người ở Hong Kong tên Kenny Li đăng tải bài viết lên diễn đàn IMA- Mobile. Thành viên này cho rằng chiếc Redmi Note mà mình đang sử dụng có kết nối với một máy chủ có IP ở Bắc Kinh, Trung Quốc khi máy sử dụng Wi-Fi mà không thông báo cho người dùng. 

    Bên cạnh đó, Kenny Li cũng cho biết anh đã gỡ bỏ tất cả các phần mềm, ứng dụng của Xiaomi cài sẵn trên chiếc Redmi Note, nhưng chiếc điện thoại này vẫn tiếp tục kết nối tự động đến máy chủ ở Bắc Kinh và tự động tải lên các gói tin. 

    Redmi Note - chiếc phablet giá chỉ vài triệu đồng của Xiaomi bị "tố" lén thu thập tin nhắn, hình ảnh của người dùng. Ảnh: Miui.

    Ngay sau khi thông tin này được báo chí trích dẫn lại, cộng đồng công nghệ tại Đài Loan đã nổ ra hai luồng tranh luận trái chiều. Một số người cho rằng việc Redmi Note kết nối với máy chủ ở Bắc Kinh là chuyện rất bình thường như bao chiếc điện thoại khác vì thiết bị này sử dụng một số dịch vụ đám mây. Trong khi đó, không ít người dùng tỏ ra lo lắng và cho rằng chiếc smartphone của Xiaomi đáng ngờ, cần đề phòng.

    Trong thông báo mới đây, Xiaomi cho rằng cáo buộc trên là không đúng sự thật. Hãng điện thoại của Trung Quốc phủ nhận việc lén kết nối và gửi dữ liệu riêng tư của người dùng về máy chủ đặt tại Trung Quốc, và khẳng định rằng chỉ ghi nhận lại những thông tin liên quan đến sở thích cá nhân của người dùng để có thể gửi các bản nâng cấp cũng như các khuyến nghị thích hợp giúp cải thiện dịch vụ khách hàng.

    Ngoài ra, Xiaomi cũng cho biết các smartphone của mình khi bán ra vốn không kích hoạt sẵn tính năng tự động sao lưu và dịch vụ đám mây. Tính năng này chỉ hoạt động khi có sự đồng ý của người dùng. Xiaomi khẳng định luôn làm đúng theo luật pháp của các quốc gia mà những sản phẩm của họ được bán ra.

    Những chiếc điện thoại Xiaomi tại VN có lén gửi dữ liệu cá nhân về TQ?

    Tại Việt Nam, Xiaomi chưa chính thức có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh. Các smartphone của hãng này hiện được bán dưới dạng hàng xách tay, được các cửa hàng điện thoại mang về từ thị trường Trung Quốc hoặc Đài Loan. Một số tờ báo và diễn đàn công nghệ trong nước cũng đăng tải lại thông tin mà người dùng Kenny Li chia sẻ, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu Xiaomi có đang âm thầm đánh cắp dữ liệu người dùng và tuồn về Trung Quốc hay không? "Nghi án" này trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết khi chính thương hiệu này cũng đang có những tín hiệu cho thấy sẽ đặt chân vào thị trường Việt Nam trong năm 2015.

    Nhằm kiểm tra xem chiếc Redmi Note tại Việt Nam có gửi dữ liệu người dùng về Trung Quốc hay không, thành viên một diễn đàn về điện thoại đã cài phần mềm Internet Connection lên chiếc smartphone này. Anh này tìm thấy trong danh sách kết nối có một ứng dụng đang gửi gói tin về một địa chỉ IP tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sau đó kết luận rằng chiếc Redmi Note đang gửi dữ liệu cá nhân trái phép mà không có sự đồng ý của người dùng (?!).


    Smartphone Xiaomi có kết nối đến máy chủ đặt tại Trung Quốc, nhưng không rõ đây là kết nối của dịch vụ sao lưu dữ liệu hay một tiến trình chuyển dữ liệu cá nhân. Ảnh: S-Channel.


    Phản bác lại ý kiến trên, anh Đoàn Hoàng Sơn, quản trị viên một diễn đàn công nghệ cho rằng cách kiểm tra này không đủ sức thuyết phục. Việc smartphone có kết nối đến một máy chủ ở Trung Quốc không đủ để kết luận rằng máy đang lén gửi dữ liệu cá nhân của người dùng, trừ phi có những biện pháp kỹ thuật chuyên sâu nhằm bóc tách nội dung các gói dữ liệu đó. Anh Sơn cũng cho rằng có thể người dùng chiếc RedMi Note đã chưa tắt tính năng tự động gửi phản hồi cho hãng, hoặc tính năng sao lưu vẫn đang hoạt động. Trong trường hợp này, nếu thông tin được mã hóa, thì người dùng không cần phải lo ngại.

    Cùng quan điểm với Hoàng Sơn, một chuyên gia đến từ một diễn đàn bảo mật ở Việt Nam cho rằng không đủ bằng chứng để đưa ra kết luận rằng Xiaomi có lén thu thập dữ liệu riêng tư (hình ảnh, tin nhắn...) của người dùng hay không nếu chưa hiểu rõ nội dung các gói tin được gửi về máy chủ ở Trung Quốc.

    Trao đổi với Zing.vn, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng Quốc tế Athena, cho rằng việc lén đánh cắp dữ liệu của người dùng là hoàn toàn có thể thực hiện được dưới góc độ kỹ thuật. Bằng cách sử dụng các chương trình Wireshark, các gói tin có thể được phân tích để xác định nội dung gửi về máy chủ ở Trung Quốc là dữ liệu riêng tư (tin nhắn, hình ảnh,..) hay chỉ đơn thuần là dữ liệu phục vụ cho việc nâng cấp dịch vụ về sau.

    Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng trường hợp của Xiaomi cũng giống với cách thức mà nhiều hãng điện thoại khác từng làm trước đây. Do đó, cần có thêm nhiều biện pháp để kiểm tra rõ ràng hơn, cũng như chắc chắn rằng khi cài đặt điện thoại lần đầu sử dụng, người dùng đã đọc kỹ và đồng ý các điều khoản thỏa thuận với nhà sản xuất.

    Theo Zing

    Xiaomi ra smartphone nhanh nhất thế giới

    Xiaomi  Mi4 sở hữu kiểu dáng giống iPhone, trang bị màn hình Full HD 5 inch đi cùng cấu hình tốt mà Xiaomi gọi là smartphone nhanh nhất thế giới khi bán ra.

    Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang bị cáo buộc là "gián điệp" đã tung ra mẫu smartphone mạnh mẽ nhất của mình mang tên Xiaomi  Mi4. Thiết bị hướng đến phân khúc cao cấp nhờ sự thay đổi trong thiết kế đi cùng cấu hình ấn tượng song vẫn duy trì lợi thế giá cạnh tranh.


    Theo hãng, Xiaomi  Mi4 trang bị màn hình Full HD 5 inch với phần viền siêu mỏng giúp máy có bề ngang chỉ 67,5 mm. Đây là thiết bị đầu tiên được Xiaomi thiết kế viền kim loại bo tròn ở các góc giúp máy cứng cáp hơn. Tuy vậy, kiểu dáng của Mi4 được trang tin công nghệ Engadget hay Cnet đánh giá là “rất giống iPhone”. Điểm riêng trên mẫu điện thoại Trung Quốc là nắp lưng có thể thay đổi với tùy chọn vật liệu bằng gỗ.

    Trang bị sức mạnh cho Xiaomi  Mi4 là bộ xử lý Snapdragon 801 tốc độ 2,5 GHz, RAM 3 GB bộ nhớ trong có bản 16 GB và 64 GB. Xiaomi tự hào gọi sản phẩm của hãng là smartphone nhanh nhất thế giới. Nhà sản xuất còn đưa ra các thông số ấn tượng như cảm biến 13 megapixel cho camera chính và 8 “chấm” cho camera phụ. Bên cạnh đó, Mi4 sở hữu pin dung lượng cao 3.080 mAh đi cùng tính năng sạc nhanh giúp máy tăng từ 0% lên 60% pin trong vòng một giờ.

    Smartphone của Xiaomi chạy hệ điều hành MIUI, một bản Android tùy biến sâu. Trung Quốc là thị trường đầu tiên Mi4 bán ra với giá khoảng 320 USD cho bản 16 GB và 400 USD cho bản 64 GB. Hãng cũng lên kế hoạch ra mắt sản phẩm tại Singapore, Malaysia và Ấn Độ.

    Theo hãng, Xiaomi  Mi4 trang bị màn hình Full HD 5 inch với phần viền siêu mỏng giúp máy có bề ngang chỉ 67,5 mm. Đây là thiết bị đầu tiên được Xiaomi thiết kế viền kim loại bo tròn ở các góc giúp máy cứng cáp hơn. Tuy vậy, kiểu dáng của Mi4 được trang tin công nghệ Engadget hay Cnet đánh giá là “rất giống iPhone”. Điểm riêng trên mẫu điện thoại Trung Quốc là nắp lưng có thể thay đổi với tùy chọn vật liệu bằng gỗ.

    Trang bị sức mạnh cho Xiaomi  Mi4 là bộ xử lý Snapdragon 801 tốc độ 2,5 GHz, RAM 3 GB bộ nhớ trong có bản 16 GB và 64 GB. Xiaomi tự hào gọi sản phẩm của hãng là smartphone nhanh nhất thế giới. Nhà sản xuất còn đưa ra các thông số ấn tượng như cảm biến 13 megapixel cho camera chính và 8 “chấm” cho camera phụ. Bên cạnh đó, Mi4 sở hữu pin dung lượng cao 3.080 mAh đi cùng tính năng sạc nhanh giúp máy tăng từ 0% lên 60% pin trong vòng một giờ.

    Smartphone của Xiaomi chạy hệ điều hành MIUI, một bản Android tùy biến sâu. Trung Quốc là thị trường đầu tiên Mi4 bán ra với giá khoảng 320 USD cho bản 16 GB và 400 USD cho bản 64 GB. Hãng cũng lên kế hoạch ra mắt sản phẩm tại Singapore, Malaysia và Ấn Độ.

      Điện thoại Xiaomi bị nghi gián điệp đang bán rộng rãi ở VN

      Mang thương hiệu Trung Quốc nhưng vì giá thành rẻ và cấu hình tốt, các dòng điện thoại của Xiaomi vẫn đang được nhiều cửa hàng nhập về bán trong nước. 

      Theo một chủ cừa hàng bán điện thoại xách tay ở khu Cầu Giấy, Hà Nội, người tiêu dùng Việt lâu nay không còn chuộng các sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc. Dù vậy, những thông tin về mức độ bán chạy trên truyền thông cũng như cấu hình tốt, giá bán rẻ đã khiến các điện thoại của Xiaomi trở thành hiện tượng và vẫn bán được. Nhiều cửa hàng liên tục nhập về và thông báo bán, gửi hàng trên toàn quốc. Trong đó, đối tượng mua được ghi nhận chủ yếu là học sinh, sinh viên.

      Có hai sản phẩm nổi bật của hãng này đang được bán tại Việt Nam dưới dạng xách tay bao gồm Mi-3 giá 6 triệu đồng và Redmi Note giá 4,7 triệu đồng. Trong đó, Redmi Note được cho là tự động gửi dữ liệu về một máy chủ tại Trung Quốc. Ngay cả khi người dùng đã root máy (chiếm quyền điều khiển cao nhất) và cài các bản firmware khác nhưng máy vẫn tự động gửi dữ liệu cá nhân bao gồm cả ảnh và tin nhắn về một máy chủ có địa chỉ IP ở Trung Quốc. 

      Xiaomi Redmi Note.
      Xiaomi Redmi Note. 

      Thành Tiến, sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội cho biết vừa mua chiếc Redmi Note được một tuần vì giá rẻ, cấu hình tốt, màn hình lớn và quan trọng hơn cả là đọc được nhiều thông tin về mức độ bán chạy trên toàn cầu nên khá yên tâm. Nhưng sau khi đọc được các thông tin về hoạt động kiểu "gián điệp", dù chưa được khẳng định, nhưng Tiến vẫn thấy hoang mang. "Nếu phát hiện các máy bán ở Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự, mình sẽ bỏ 'không thương tiếc'. Cảm giác có người xem được dữ liệu của mình rất khó chịu dù dữ liệu đó không quan trọng".

      Các máy Redmi Note ở thị trường trong nước hiện nay phần lớn được nhập thẳng từ thị trường Trung Quốc, nhưng cũng có một số máy đến từ Hong Kong, nơi người dùng phát hiện ra hiện tượng tự động gửi dữ liệu nói trên. Chủ một số cửa hàng xách tay khẳng định nếu có thông tin các máy đang bán tại Việt Nam cũng đều dính hiện tượng kiểu gián điệp sẽ không tiếp tục nhập về bán.

      Đây không phải là lần đầu tiên điện thoại Trung Quốc gặp phải các cáo buộc về "gián điệp". Gần nhất là vào giữa tháng 6, điện thoại Star N9500 được sản xuất tại Trung Quốc cũng bị phát hiện chứa sẵn trojan Uupay.D từ khi chưa mở hộp. N9500 nhái thiết kế của Galaxy S4 và được cài chương trình gián điệp từ khi sản xuất. Chương trình này vờ hoạt động như là kho ứng dụng Google Play Store và có thể thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro trên máy để nghe lén hay gửi tin nhắn tới các dịch vụ thu phí...

      Mi-3, chiếc điện thoại được quảng bá là bán chạy kỷ lục - 1.000 chiếc trong 86 giây.

      Xiaomi là cái tên khá mới trên thị trường di động thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, hãng này đã có những thành công lớn sau khi có lượng đặt và mua hàng kỷ lục, như bán 1.000 chiếc Mi-3 trong 86 giây hay 10.000 chiếc Redmi Note bán hết trong 1 giây. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Counterpoint, hãng này cũng có tới hai model nằm trong top 10 di động bán tốt nhất trong tháng 5 vừa qua.

      Theo sohoa

      Hãng điện thoại Xiaomi cần phải ngừng bắt chước Apple

      Công ty được mệnh danh "Apple của Trung Quốc" đã tiếp tục ra mắt thế hệ đầu bảng mới: Mi 4. Trong khi Xiaomi vẫn tiếp tục đạt doanh số khổng lồ, công ty Trung Quốc này đang copy Apple trên quá nhiều phương diện.


      Các sản phẩm của Xiaomi "copy" rất nhiều từ Apple, nhiều hơn cả mức độ copy của Galaxy S thế hệ đầu tiên so với iPhone. Không chỉ có vậy, Xiaomi còn đang học theo cả phong cách tổ chức sự kiện của Apple thời Steve Jobs: CEO Lei Jun sẽ mặc một chiếc áo phông không cổ màu đen, quần bò và giới thiệu "À còn một điều này nữa" như Steve Jobs khi giới thiệu iPhone.

      Đây không phải là "học hỏi". Đây là sao chép trắng trợn. Ấy vậy mà Hugo Barra, giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu của Xiaomi, người từng nắm vị trí lãnh đạo bộ phận Android tại Google, đã lên tiếng phủ nhận điều này một cách quyết liệt:

      "Chúng tôi không copy sản phẩm của Apple. Chấm hết", Barra khẳng định trong một cuộc phỏng vấn vớiThe Verge. Vị lãnh đạo này khẳng định rằng việc báo giới so sánh Xiaomi với Apple cũng chỉ là "những câu nói câu cảm xúc trắng trợn vì báo chí không còn điều gì hay ho hơn để nói".

      Nhưng nếu bạn đã từng chỉ trích Xiaomi một cách gay gắt, liệu bạn có phải chỉ làm theo "tâm lý đám đông" và chỉ đang thể hiện lòng căm ghét một cách mù quáng, vô lý? Câu trả lời là "không". Hãy cùng nhìn nhận lại cáo buộc "Xiaomi ăn cắp thiết kế của Apple" một cách khách quan.

      Trong bức ảnh phía trên, chiếc iPad mini 2 và chiếc MiPad đã được đặt cạnh nhau. Bất kể ai cũng có thể nhìn thấy Xiaomi "học" theo Apple tất cả các đường nét thiết kế. MiPad cũng là một chiếc tablet 7.9 inch với màn hình 2048 x 1536 pixel. Nếu bạn thấy những con số này quen thuộc, đó là bởi iPad mini Retina cũng có thông số giống hệt. Chưa kể, MiPad cũng sử dụng tỷ lệ màn hình 4:3 – một tỷ lệ màn hình mà các máy Android rất ít khi sử dụng.

      Hãy nhìn vào những cạnh tròn của MiPad. Ngay cả vị trí camera cũng giống nhau. Vị trí đặt tên sản phẩm cũng giống nhau. Bất cứ một ai không phải là fan cuồng của Xiaomi sẽ không thể phủ nhận rằng đây là một bản sao trắng trợn.

      Quan điểm của Hugo Bara? "Nếu bạn có 2 nhà thiết kế cùng trình độ, việc họ đi tới kết luận giống nhau là có thể hiểu được. Việc ai đó khác đã từng đi đến cùng một kết luận là không có ý nghĩa gì cả".

      Một lần nữa, ai cũng có thể nhận thấy quan điểm của Xiaomi sai lầm như thế nào: thiết kế sản phẩm là một quá trình sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là những phép tính toán học. Những sản phẩm như HTC One M8 cũng là những tuyệt tác nghệ thuật – minh chứng rằng việc tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp không đòi hỏi HTC và Apple (hoặc Sony, LG…) phải "cùng đi đến một kết luận".

      Hãy cùng nhìn lại những chiêu copy khá rõ ràng của điện thoại Xiaomi, do Phone Arena tổng hợp.


      Smartphone Mi4 với khung kim loại, các cạnh viền nhẹ và phần thân được cắt nhẹ nơi đặt ăng-ten.


      Apple trước đó đã sử dụng phong cách thiết kế này trên iPhone 5 và 5s.


      Trang web giới thiệu sản phẩm của Xiaomi.


      Trang web giới thiệu của Apple với phong cách đã được thiết lập từ những thế hệ iPhone, iPad trước.


      Thiết kế của chiếc MiTv với cạnh viền màn hình khác màu đặt ở cuối và logo đặt giữa.


      Thiết kế quen thuộc của iMac.

      …Và sự copy trắng trợn nhất của Xiaomi: "Tái hiện" các buổi trình diễn sản phẩm của Steve Jobs

      Ai cũng có thể nhận thấy CEO Lei Jun của Xiaomi trong trang phục quen thuộc của Steve Jobs và câu nói nổi tiếng "One more thing" ("Thêm một điều này nữa") khi ra mắt iPhone. Hugo Barra giải thích như thế nào về điều này? "Chúng tôi không phải là những người duy nhất đã sử dụng phong cách giới thiệu của Steve Jobs. Cả thế giới đã làm như vậy".

      Nhưng, những người tỉnh táo sẽ hiểu được sự khác biệt giữa "học hỏi" và "sao chép". Không một ai mặc bộ quần áo của Steve Jobs và "tái sử dụng" từ ngữ của ông cả. Ngay cả Samsung cũng không làm như vậy.

      Theo vnreview

      Xiaomi Mi3 : Smartphone 5 inch, chip Tegra 4

      Xiaomi đã thu hút được nhiều ánh mắt chú ý khi chiêu mộ được phó chủ tịch mảng Android của Google, Hugo Barra. Chỉ ít lâu sau bước đi táo bạo này, công ty Xiaomi Trung Quốc đã tung ra một sản phẩm có thể sánh ngang với các mẫu đầu bảng của Samsung và LG với mức giá chỉ bằng một nửa.


      Theo trang công nghệ Phonearena, Xiaomi Mi3 có thiết kế hết sức ấn tượng. Với màn hình 5 inch độ phân giải Full HD 1080p, chiếc smartphone này có độ dày 8,1mm. Máy sẽ được trang bị vi xử lý có hiệu năng đồ họa hàng đầu thế giới hiện nay: Tegra 4 (gồm 4 lõi xử lý Cortex A15 tốc độ 1.8GHz và 72 nhân đồ họa) do Nvidia sản xuất, bên cạnh 2GB RAM. 

      Xiaomi Mi3 cũng sẽ có camera 13MP do Sony sản xuất với đèn flash đôi và camera mặt trước 2MP. Camera chính của Mi3 có khẩu độ f/2.2 và cũng có thể chụp liên tiếp 10 bức ảnh cùng lúc. Pin dung lượng 3050mAh hứa hẹn thời lượng pin sử dụng hết sức ấn tượng.


      Điểm ấn tượng nhất của Xiaomi Mi3 là giá của sản phẩm: phiên bản khởi điểm với 16GB bộ nhớ sẽ chỉ có giá 1999 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng). Phiên bản 64GB có giá 2999 nhân dân tệ (khoảng 10,4 triệu đồng). Xiaomi hiện chưa đưa ra lựa chọn 32GB.

      Bên cạnh phiên bản chính, 2 nhà mạng China Unicom và Chinatelecom cũng sẽ phát hành phiên bản Snapdragon 800 của Mi3 (hỗ trợ kết nối WCDMA và CDMA). Xiaomi cũng là công ty đầu tiên công bố các chi tiết về Snapdragon 800: các nhân Krait 400 của Snapdragon 800 có thể đạt xung nhịp tối đa 2.3GHz; nhân đồ họa Adreno 330 có xung nhịp 550Mhz và xung nhịp RAM của chip có thể đạt tới 933MHz. Vi xử lý của Qualcomm được xây dựng trên chu trình 28nm HPM của hãng TSMC (Đài Loan).


      Dự kiến, Xiaomi Mi3 sẽ ra mắt vào giữa tháng 10 sắp tới. Chiến lược sản xuất của công ty Trung Quốc cũng đã được vạch ra khá rõ ràng: bán sản phẩm giá rẻ để thu hút người dùng mua dịch vụ/nội dung (tương tự như Amazon), và Xiaomi Mi3 với cấu hình ấn tượng và mức giá quá mềm là minh chứng cho chiến lược hết sức khôn ngoan của Xiaomi.


      Việt Dũng