Tại sao các hãng điện thoại có lý do để lo lắng với Xiaomi

Xiaomi đã vượt Samsung về số lượng điện thoại thông minh bán ra ở Trung Quốc theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường firm Canalys.

Xiaomi là công ty điện tử non trẻ có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung quốc. Công ty bắt đầu bán chiếc điện thoại đầu tiên chạy một phiên bản Android được chỉnh sửa vào năm 2011. Số lượng điện thoại lên đến 300 nghìn chiếc đầu tiên, được đặt tên là Xiaomi Mi 1, được bán hết ngay trên trang web của công ty trong vòng 34 giờ. 

Tính đến tháng 7 năm 2014,  hãng điện thoại Xiaomi đã bán được 57 triệu điện thoại tại Trung quốc và các thị trường mới nổi như Malaysia, Đài Loan, Ấn độ. Xiaomi đã vượt Samsung về số lượng điện thoại thông minh bán ra ở Trung Quốc theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường firm Canalys. Chúng ta cùng điểm lại 5 chiến lược làm nên thành công của Xiaomi.


Xây hệ điều hành, hệ sinh thái trước phần cứng 

Xiaomi chọn chiến lược xây dựng xây dựng một hệ sinh thái Android trước cả khi phần cứng ra đời. Phiên bản hệ điều hành Android phát triển riêng được đặt tên là MIUI là phiên bản Android tách riêng từ Android gốc của Google, gọi tắt là Android Mod, là phiên phản được đánh giá cao chỉ sau bản Mod quốc tế là CynogenMod.

Tại Trung quốc, MIUI trở thành bản Mod tiếng Trung được ưa chuộng nhất chạy ổn định trên các điên thoại Android của Google, Samsung và các nhà sản xuất khác. Phần lớn người dùng MIUI là những người đam mêm công nghệ, trẻ tuổi, muốn trải nghiệm điện thoại thông minh có nhiều tùy chọn như hình nền, âm thanh mà hệ điều hành gốc Android của Google hạn chế.

Qua MIUI, Xiaomi cung cấp các dịch vụ đám mây, hệ sinh thái ứng dụng (app store) thay thế chức năng của Google. Xiaomi đã xây dựng được hệ sinh thái với hàng triệu người dùng MIUI trung thành sẵn sàng chuyển sang nhà sản xuất sử dụng hệ sinh thái MIUI

Cấu hình cao, giá cả cạnh tranh trong thế giới Android

Thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất thế giới, định vị chiến lược sản phẩm của mình ở thị trường này là hết sức khó khăn. Các hãng điện tử quốc tế lâu đời như Sony, Samsung, LG có các đối tác cung cấp linh kiện hàng đầu như CPU của Qualcomm, màn hình của Sharp, LG, và chọn chiến lược bán giá cao. Các hãng điện tử nội địa như Lenovo, Huawei chọn nhà cung cấp CPU ít tên tuổi hơn như là MediaTek, chọn màn hình từ nhà cung cấp Đài loan, và đánh vào phân khúc giá tầm trung và thấp.

Tuy nhiên Xiaomi ngay từ đầu đã định vị điện thoại thông minh của mình sẽ có các linh kiện của các nhà cung cấp hàng đầu, sử dụng CPU của Qualcomm và màn hình của Sharp. Mẫu điện thoại đầu tiên của Xiaomi ngay lập tức được báo chí quan tâm như một công ty nội địa dám đột phá vào lãnh địa điện thoại cao cấp của các công ty quốc tế và phản hồi tích cực của công chúng mê công nghệ.

Tập trung vào thiết kế

Thiết kế đẹp cũng là một khác biệt giữa sản phẩm của Xiaomi với các công ty điện tử nội địa khác. Trong khi các công ty điện thoại nội địa chỉ tập trung ra các mẫu giá rẻ ở khắp các phân khúc thì Xiaomi tập trung làm một số ít điện thoại có thiết kế đẹp trong phân khúc thị trường mục tiêu. Nhiều nhà phân tích hài hước gọi Xiaomi là Apple của Trung Quốc.

Mô hình bán hàng trực tiếp

Mô hình bán hàng trực tiếp là một điểm độc đáo làm nên sự tăng trưởng thần kỳ của Xiaomi. Xiaomi công bố chính sách giá bán của mình là bán theo giá linh kiện, do đó công ty sẽ bán hàng online thông qua web site của mình. Chiến lược bán hàng giá gốc đã gây ra cơn sốt mua hàng của Xiaomi ở Trung quốc. Người tiêu dùng sẵn sàng đặt hàng qua web, trả tiền trước và đợi nhận hàng sau. Số lượng cung cấp hạn chế cũng tạo nên hiệu ứng truyền miệng giúp đợt bán hàng sau có số lượng lớn hơn đợt trước. Xiaomi tuyên bố công ty không thu lợi nhuận từ bán điện thoại mà thu từ dịch vụ và bán phụ kiện.

Với số lượng hơn 50 triệu điện thoại thông minh được bán ra, có thể nói, hệ sinh thái của Xiaomi có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, sau hệ sinh thái của Apple và Google. Chúng ta thử so sánh mô hình kinh doanh của Xiaomi với các hãng điện tử lớn:

Xiaomi và Apple

Điện thoại của Xiaomi có thiết kế đẹp, và có một số điểm hao hao giống các sản phẩm Apple. Xiaomi từng bị gọi đùa là Apple của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi nhuận của Apple chủ yếu đến từ bán phần cứng với lợi nhuận biên lên đến gần 50% theo một số nhà phân tích. Trong khi đó, lợi nhuận biên của điện thoại Xiaomi theo dự đoán chỉ khoảng 5%. Như vậy Xiaomi chỉ kỳ vọng số lượng thiết bị bán đủ lớn để phát triển hệ sinh thái MIUI của mình, qua đó thu lợi nhuận qua dịch vụ đám mây và quảng cáo.

Xiaomi và Google

Hệ điều hành MIUI của Xiaomi tách ra khỏi Google, nhờ qui định của hệ sinh thái mã nguồn mở, và dựa trên Linux. Như vậy các dịch vụ đám mây của Google, kể cả hệ sinh thái ứng dụng (App store) của Google cũng không chen chân được vào người dùng MIUI. Người dùng MIUI trở thành khách hàng dịch vụ của Xiaomi. Ở Trung quốc, nơi Google chiếm thị phần nhỏ, MIUI có tiềm năng thay thế các dịch vụ của Google. Tuy nhiên, đối với thị trường nước ngoài, còn quá sớm để khẳng định MIUI của Xiaomi có thể thay thế Google.

Xiaomi và Amazon

Hai công ty đều có điểm chung là bán phần cứng giá thấp và thu tiền ở mảng dịch vụ đám mây. Amazon có doanh thu chủ yếu ở Mỹ và các nước phát triển G7. Qui mô thị trường dịch vụ của Xiaomi ở Trung Quốc và các thị trường mới nối như Ấn độ có lẽ nhỏ hơn rất nhiều so với Amazon.

Xiaomi và Samsung

Samsung có lý do để lo lắng về đối thủ Trung Quốc của mình khi số lượng điện thoại bán ra của Xiaomi quý 2 2014 đã vượt Samsung tại Trung Quốc. Lợi nhuận của Samsung trong quí hai 2014 giảm 20% xuống còn 6,3 nghìn tỷ won (6,1 tỷ đô la) từ 7,7 tỷ won của cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả thấp nhất kể từ quí hai năm 2012. Samsung phụ thuộc hoàn toàn vào Google trong việc cung cấp hệ điều hành và thu lợi nhuận từ việc bán phần cứng.

Dù rất thành công trong phân khúc điện thoại cao cấp ở các nước phát triển, Samsung bị cạnh tranh gay gắt ở mảng điện thoại tầm trung ở các nước đang phát triển. Khi Samsung không nắm hệ sinh thái và lợi nhuận phần cứng thấp sẽ gây khó khăn cho Samsung khi cạnh tranh với các đối thủ như Xiaomi.

Xiaomi vào Việt Nam?

Từ đầu năm 2014, Xiaomi đã thành lập công ty tại Singapore với kế hoạch phát triển tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xiaomi bắt đầu bán các dòng điện thoại mới nhất của mình tại Singapore và Malaysia. Trong tháng 8, công ty cũng bắt đầu mở trang web bán hàng tiếng Indonexia.

Tuy chưa chính thức vào Việt Nam, điện thoại Xiaomi có thể mua tại một số cửa hàng thông qua kênh nhập khẩu không chính thức. Theo khảo sát, dòng điện thoại Phablet của Xiaomi là Redmi Note được bán khá chạy ở mức giá 5 triệu đồng. Dòng Redmi Note có cấu hình tương đương Samsung Note 2 (đã ngừng sản xuất) hoặc HTC Desire 816 (Giá 7 triệu đồng).

Tại Việt Nam, hầu hết các hãng điện thoại lớn đều đã có mặt như Lenovo, Huawei, ZTE, TCL và gần nhất là Oppo. Oppo tuy vào thị trường Việt Nam khá muộn nhưng đã đầu tư bài bản hệ thống cửa hàng và đại lý. Công ty đã xây dựng được nhận diện thương hiệu khá tốt so với các thương hiệu truyền thống như Lenovo, Huawei. Tuy nhiên, chính sách giá cả chưa cạnh tranh làm người tiêu dùng chưa chọn Oppo như một thương hiệu điện thoại bình dân. Nếu Xiaomi vào thị trường Việt Nam với cùng chính sách cạnh tranh ở quê nhà, Xiaomi sẽ có nhiều khách hàng Việt Nam và xóa được định kiến về chất lượng hàng Trung Quốc không tốt nói chung.

Xiaomi sửa lỗi bí mật gửi dữ liệu về máy chủ Trung Quốc

Trong bản cập nhật mới Xiaomi cho biết, hãng không tự kích hoạt dịch vụ nhắn tin miễn phí do đó smartphone của Xiaomi sẽ không tự động gửi thông tin người dùng.



Cuối tháng 7, smartphone của Xiaomi bị nghi ngờ “gián điệp” khi mẫu Redmi Note được trang TechNews (Đài Loan) phát hiện tự động gửi thông tin người dùng về máy chủ Trung Quốc. Theo Engadget, công ty bảo mật Phần Lan F-Secure đã kiểm chứng điều này và khẳng định Xiaomi bí mật gửi dữ liệu về máy chủ của hãng.

Mặc dù thiết bị thử nghiệm là chiếc Redmi 1s không thêm bất kỳ tài khoản nào nhưng máy vẫn tự động gửi dữ liệu người dùng trong đó có số điện thoại, danh bạ và tin nhắn văn bản về Bắc Kinh. Quan trọng hơn, các dữ liệu này không được mã hóa do đó F-Secure và nhiều đơn vị khác có thể dễ dàng đọc được thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Xiaomi đồng thời là cựu nhân viên Google Hugo Barra, liên kết dữ liệu gửi đi là một phần dịch vụ trên nền tảng MIUI giúp người dùng có thể gửi tin nhắn miễn phí thông qua kết nối Internet. Dịch vụ này hoạt động tương tự cơ chế iMessage mà Apple phát triển. Tuy vậy, nhà sản xuất Trung Quốc đã tự động kích hoạt chế độ trên mà không đưa ra bất kỳ thông báo hay giải thích nào cho khách hàng.

Xiaomi cho biết, hãng đã phát hành bản phần mềm mới trong đó các thiết bị sẽ không tự động gửi các luồng dữ liệu bí mật như trước đây. Người dùng muốn sử dụng chế độ nhắn tin miễn phí sẽ phải kích hoạt bằng tay. Đồng thời bản cập nhật này cũng bổ sung mã hóa dữ liệu gửi đến máy chủ nhằm nâng cao khả năng an toàn cho khách hàng muốn dùng dịch vụ nhắn tin miễn phí trên các điện thoại Xiaomi.

Dù đã có lời giải thích chính thức nhưng Engadget vẫn đặt ra dấu hỏi về mức độ an toàn của dịch vụ này. Trong khi đó giữa tháng 6, F-Secure cho biết điện thoại Star N9500 được sản xuất tại Trung Quốc bị phát hiện chứa sẵn trojan Uupay.D từ khi chưa mở hộp. Thiết bị có thể thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro trên máy để nghe lén hay gửi tin nhắn tới các dịch vụ thu phí...

Hãng điện thoại Xiaomi đang nổi lên như một ngôi sao mới trong làng di động thế giới. Tại Trung Quốc, hãng đã lần lượt vượt qua Apple rồi Samsung để giữ ngôi đầu về lượng máy bán ra. Tuy vậy bên cạnh nghi ngờ xung quanh vấn đề bảo mật, công ty được coi là bản sao của Apple còn gặp rắc rối khi nói dối về số lượng máy bán ra trong thời gian ngắn.

Smartphone Xiaomi bị điều tra tại Singapore và Đài Loan

Công ty smartphone bán chạy nhất Trung Quốc, Xiaomi, không chỉ đang bị chính phủ Singapore điều tra mà còn bị cả nhà chức trách Đài Loan "sờ gáy".


Cách đây mấy tuần, một người dùng smartphone Hong Kong đã phát hiện ra những kết nối "bí mật" của chiếc smartphone của anh đến máy chủ Bắc Kinh mà không hề được sự đồng ý của anh. Xiaomi đã phủ nhận mọi lời buộc tội. Tiếp đó, tại Việt Nam, công ty BKAV của Việt Nam đã tuyên bố tìm thấy bằng chứng smartphone Xiaomi theo dõi người dùng và âm thầm gửi dữ liệu người dùng về máy chủ của Xiaomi (ở Trung Quốc).

Cách đây mấy ngày, F-Secure, hãng bảo mật Phần Lan cũng đã xác nhận rằng Xiaomi thực sự có gửi số điện thoại di động, số IMEI cho máy chủ của họ ở Bắc Kinh. Song F-secure đã dừng lại ở đó, và không công bố chi tiết về các kết nối khác đến các máy chủ đặt ở Trung Quốc. Sau khi thông tin của F-secure xuất hiện trên các báo tại châu Á, Xiaomi đã xin lỗi và đưa ra bản cập nhật vá lỗi OTA để sửa "lỗi" đó. F-secure khẳng định trên website của họ rằng lỗi đã được chỉnh sửa.

Tuy nhiên, tại Singapore, một người dùng điện thoại Xiaomi đã gửi đơn khiếu nại, cho rằng dữ liệu cá nhân của anh đã bị tiết lộ. Người này nói anh đã nhận được những cuộc gọi lạ từ nước ngoài sau khi dùng điện thoại Xiaomi. Cơ quan quản lý riêng tư của Singapore, Uỷ ban Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân, cho biết họ đang điều tra vụ việc.

Trong khi đó, tại Đài Loan, Uỷ ban truyền thông quốc gia (NCC) đang lên kế hoạch thiết lập hệ thống chứng nhận bảo mật điện thoại di động, sau những báo cáo nói rằng Xiaomi tự động gửi thông tin cá nhân đến máy chủ của họ ở Bắc Kinh mà không hề có sự đồng ý của người dùng.

NCC cho biết họ đã yêu cầu Xiaomi kiểm tra tất cả các loại điện thoại – chứ không chỉ hai mẫu máy mà F-Secure công bố bị lỗi – có bán tại Đài Loan và phải xác nhận xem chúng có mắc lỗi tương tự không. "Chúng tôi đã thông báo đến Xiaomi rằng họ cần cung cấp văn bản giải thích rõ cách họ xử lý vấn đề ra sao", Lo Chin-hsien, giám đốc Ban Công nghệ và nguồn lực của NCC nói. "Chúng tôi sẽ yêu cầu họ đến và trả lời câu hỏi nếu cần thiết".


Ông Lo cho biết, NCC sẽ sớm gặp gỡ các nhà sản xuất điện thoại di động để thảo luận về cách họ xử lý các vấn đề bảo mật thông tin. Đài Loan sẽ thiết lập cơ chế bảo mật thông tin vào cuối năm nay.

"Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới yêu cầu các nhà sản xuất ĐTDĐ phải có chứng nhận quốc gia về an toàn thông tin. Chúng tôi chỉ có thể khuyến khích nhà sản xuất có những chứng nhận như thế", ông Lo nói và cho biết chính sách chứng nhận sẽ không chỉ nhắm đến những ĐTDĐ sản xuất tại Trung Quốc mà sẽ với các nhà sản xuất khác nữa.

Xiaomi (Trung Quốc) được đồng thành lập bởi 8 đối tác vào ngày 6/6/2010. Trong đợt đầu gây quỹ, các nhà đầu tư thể chế của Xiaomi bao gồm Temasek Holdings, hãng đầu tư của chính phủ Singapore; quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc IDG Capital và Qiming Venture Partners và nhà phát triển vi xử lý di động Qualcomm.

Hoàng Lan
Theo Ocworkbench

Smartphone Xiaomi Redmi Note 4G với vi xử lí Snapdragon 400

Công ty Xiaomi (Trung Quốc) vừa chính thức giới thiệu chiếc điện thoại Xiaomi Redmi Note 4G, sử dụng chipset Snapdragon 400 và có giá khoảng 162 USD (khoảng 3,4 triệu đồng) tại Mỹ và Trung Quốc.


Sau vụ scandal liên quan tới smartphone Xiaomi cài sẵn phần mềm gián điệp gần đây, Xiaomi vẫn tiếp tục phát hành phiên bản hỗ trợ LTE của chiếc điện thoại Redmi Note mà công ty đã giới thiệu vào tháng Ba năm nay. Theo công bố của nhà sản xuất, Xiaomi Redmi Note 4G (Trung Quốc) sẽ sử dụng SoC lõi tứ Qualcomm MSM8928 Snapdragon 400 với xung nhịp 1.6 GHz (phiên bản không có LTE sử dụng chipset octa-core MediaTek MT6592 1.7 GHz), RAM 2 GB, bộ nhớ trong 8 GB và có thể nâng cấp lên đến 64 GB nhờ khe cắm thẻ microSD mở rộng.

Xiaomi Redmi Note 4G chỉ hỗ trợ 1 sim (bản 3G hỗ trợ 2 sim) và sẽ chạy hệ điều hành Android 4.4.2 KitKat với giao diện người dùng MIUI v.5.0 độc quyền của Xiaomi. Mặt sau điện thoại được trang bị một camera với độ phân giải 13 megapixel và độ mở ống kính f/2.2, hỗ trợ đèn LED. Máy vẫn giữ nguyên màn hình 5.5 inch độ phân giải 720p giống phiên bản gốc và tích hợp một thỏi pin có dung lượng 3200 mAh. Redmi Note 4G có kích thước 154 x 78.7 x 9.5mm.

Theo dự kiến, máy sẽ được bán ra với giá khoảng 162 USD (khoảng 3,4 triệu đồng) và có nhiều màu sắc để lựa chọn gồm: Xanh lá cây, xanh da trời, đen, trắng, hồng... Xiaomi Redmi Note 4G sẽ sớm có mặt tại Trung Quốc và Malaysia, những thị trường khác vẫn chưa có thông tin chính xác từ nhà sản xuất.

15.000 điện thoại Xiaomi bán hết trong 2 giây tại Ấn Độ

Sau thành công ở Trung Quốc và Đài Loan, Xiaomi lại tiếp tục gây ấn tượng khi hàng nghìn chiếc MI 3 được tiêu thụ trong nháy mắt ở Ấn Độ. 

Điện thoại do Xiaomi sản xuất đang thành hàng "hot" ở nhiều nước. Công ty Trung Quốc này vừa mở bán 15.000 chiếc MI 3 tại Ấn Độ và toàn bộ số hàng được mua sạch sau 2 giây. Rất nhiều người dùng phàn nàn rằng tốc độ bán quá nhanh khiến họ thậm chí còn chưa kịp thực hiện bất cứ cú click nào. Họ sẽ phải đợi đến ngày 12/8 cho đợt mở bán tiếp theo.

MI 3 có giá 230 USD với màn hình 5 inch độ phân giải Full HD, chip Snapdragon 800 tốc độ 2,3 GHz, RAM 2 GB, pin 3.050 mAh, camera 13 "chấm" và có thiết kế khá đẹp.

Xiaomi đang là hiện tượng của làng smartphone.

Cũng trong tuần này, hãng nghiên cứu Canalys khẳng định Samsung đã đánh mất vị trí số một ở Trung Quốc vào tay Xiaomi. Trong khi đó, sãng nghiên cứu Strategy Analytics cũng cho biết Xiaomi bất ngờ lọt vào danh sách 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý II, vượt trên cả LG, Sony...

Bí quyết thành công của Xiaomi là kinh doanh điện thoại cấu hình cao với giá thấp. Họ cũng chỉ bán máy qua gian hàng trực tuyến nên không mất nhiều chi phí. Chẳng hạn, chiếc Mi 4 chỉ có giá 320 USD nhưng được trang bị chip lõi tứ Snapdragon 801 tốc độ 2,5 GHz, RAM 3 GB, màn hình Full HD 5 inch và còn sử dụng vỏ kim loại. Tuy nhiên, mới đây Xiaomi cũng đang gặp rắc rối trước thông tin rằng thiết bị của họ âm thầm thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để gửi về máy chủ ở Trung Quốc.

    5 lý do Xiaomi nổi như cồn trong làng smartphone

    Dù mới chỉ đi vào hoạt động được bốn năm nhưng Xiaomi đã lần lượt đánh bại nhiều ông lớn trong thị trường di động toàn cầu. Đâu là nguyên nhân cho sự đột phá này?

    Có thể thấy, thời gian qua, có nhiều thông tin cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng điện tử Trung Quốc này. Điển hình như, theo Strategy Analytics mới công bố, mới đây Xiaomi đã đánh bại LG để vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Samsung, Apple, Huawei và Lenovo.

    Xiaomi Mi Pad

    Hiện nay, hãng chỉ mới đang tập trung phát triển thị trường một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Những khách hàng nằm ngoài khu vực này có lẽ ít biết về Xiaomi hơn hoặc có chăng chỉ biết đến thông qua tin tức như "Xiaomi thiết kế điện thoại nhái theo hình dáng của iPhone" . Dù công ty đã lên tiếng về vụ việc này cùng với dẫn chứng những nét "tinh tế" riêng trong thiết kế của mình từ máy tính bảng Mi Pad hoặc smartphone Xiaomi Mi 4, nhưng "tiếng xấu đồn xa" là điều khó tránh khỏi.

    Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những tin đồn về Xiaomi nếu xét về mặt tích cực, lại càng khiến nhiều người trên thế giới biết đến nó hơn. Thậm chí, có thể cho rằng, thiết kế có phần "na ná" với iPhone là một trong những chiến lược của hãng.

    Ngoài ra, hãng điện tử Trung Quốc này cũng đang tích cực mở rộng thị trường "xâm chiếm" sang Brazil và nhiều nước phương Tây khác. Với những chiến lược đứng đắn (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại), tiềm năng phát triển của công ty là điều không thể lường trước được.

    Dưới đây sẽ là 5 điều đã giúp Xiaomi thành công như ngày hôm nay, theo nhận định của trang công nghệCnet:

    1. Sản phẩm chất lượng cao


    Xiaomi Mi 4 (bên phải)


    Đến nay, những thiết bị đã ra lò của Xiaomi đều rất ấn tượng. Chất lượng sản phẩm Xiaomi cung cấp đáng giá hơn nhiều so với khoản tiền phải bỏ ra để sở hữu nó. Có thể thấy được những dẫn chứng rõ ràng, ngoài những điện thoại thuộc phân khúc hàng cao cấp như Mi3 và sắp tới là Mi4 thì sản phẩm thuộc phân khúc hàng trung cấp như máy tính bảng Redmi Note cũng dễ dàng thỏa mãn người dùng với những tính năng như màn hình 5,5 inch, vi xử lý 8 nhân,… Ngoài ra, Xiaomi cũng thường cung cấp những sản phẩm chất lượng cao khác như các thiết bị định tuyến và UHD TV được bán rất chạy ở Trung Quốc.

    2. Giá cả phải chăng

    Xiaomi Redmi Note

    Cũng có thể nói, chìa khóa chính tạo nên sự thành công của Xiaomi chính là nhờ giá cả sản phẩm mà hãng bán ra. Các sản phẩm chủ lực của hãng tung ra chỉ có mức giá tầm trung nhưng lại sở hữu đầy đủ các tính năng mạnh mẽ cạnh tranh trực tiếp với những thiết bị thuộc phân khúc hàng cao cấp của các ông lớn trong ngành di động.

    Ví dụ, với chiếc Redmi Note đã đề cập ở trên, dù sở hữu các tính năng rất ấn tượng như vậy nhưng nó chỉ có giá vào khoảng 154 USD (khoảng 3,3 triệu đồng). Hoặc gần đây hơn là chiếc điện thoại Mi 4, dùng vi xử lý Snapdragon 801, RAM 3GB, màn hình 5 inch, độ phân giải 1080p, thiết kế kim loại nhưng cũng chỉ có giá 320 USD (khoảng 6,8 triệu đồng). Ngoài ra, cũng có thể kể đến MiTV 2, UHD TV được bán ra ở Trung Quốc với giá 640 USD, rẻ hơn nhiều so với những gì Samsung và LG thường bán.

    Bạn có thể đang tự hỏi, "Làm thế nào mà Xiaomi có thể bán sản phẩm với giá rẻ, cấu hình cạnh tranh mà vẫn tạo ra lợi nhuận?" Câu trả lời đơn giản là, hãng điện tử Trung Quốc đang sử dụng một mô hình kinh doanh cho phép bán sản phẩm với chi phí gần giá thành xuất xưởng nhất có thể, sau đó, nhận lợi nhuận theo thời gian mỗi khi chi phí sản xuất giảm xuống.

    3. Có lượng fan lớn


    Đám đông người hâm mộ trong buổi ra mắt Mi 4


    Giống như Apple và Samsung, Xiaomi cũng có một số lượng lớn người tiêu dùng yêu thích sản phẩm của mình, đặc biệt là ở các đất nước đông dân cư như Trung Quốc và Ấn Độ. Trên hết, hãng cũng rất quan tâm đến người hâm mộ của mình với những sự ưu ái dành riêng cho họ.

    4. MIUI


    MIUI trên Xiaomi Mi 3


    Phần cốt lõi của những sản phẩm Xiaomi nằm ở MIUI. Đây là một bản ROM chú trọng vào giao diện người dùng, xây dựng dựa trên nền tảng Android và được trang bị cho tất cả các smartphone và máy tính bảng của hãng. Trên MIUI có rất nhiều tính năng mà chúng ta không thể tìm thấy trên Android hay iOS, ví dụ như tính năng điều hướng theo cử chỉ hay bộ sưu tập các theme làm tươi mới điện thoại và thay đổi cảm nhận người dùng.

    5. Hugo Barra

    "Đánh cắp" được cựu giám đốc của Google, Hugo Barra, là một bước đột phá lớn của Xiaomi.


    Gương mặt đại diện của hãng điện tử Trung Quốc trên trường quốc tế, Hugo Barra


    Nhờ kinh nghiệm cùng những mối quan hệ rộng rãi với đối tác và các nhà mạng trên thế giới mà ông xây dựng được trong khoảng thời gian làm việc ở Google, dưới cương vị phó chủ tịch mảng Android, Barra đã thành công trong việc mang tầm ảnh hưởng của Xiaomi ra quốc tế và trở thành đối thủ cạnh tranh chính, xứng tầm cùng 2 "ông hoàng" trong ngành di động hiện nay, Samsung và Apple.

    Xiaomi lên tiếng về nghi vấn gián điệp qua điện thoại

    Trong lễ công bố smartphone mới Xiaomi 4, đại diện công ty này đã giải thích về tính năng gửi dữ liệu lên máy chủ trong phiên bản RedMi Note.

    Xiaomi trích dẫn các điều khoản sử dụng và khẳng định rằng họ không xâm phạm đến dữ liệu cá nhân của người dùng. Thông tin những ngày qua về chuyện điện thoại cố tình gửi hình ảnh, tin nhắn... lên máy chủ Trung Quốc nhằm mục đích gián điệp là không đúng.

    Tuy nhiên, Xiaomi không phủ nhận điện thoại của họ có tính năng tự động kết nối và upload thông tin lên máy chủ. Nhưng RedMi Note không gửi thông tin cá nhân mà chỉ là những tính toán về các hoạt động của khách hàng để có thể gửi bản cập nhật và giới thiệu các ứng dụng phù hợp nhất cho người sử dụng nhằm cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng.

    Xiaomi nhấn mạnh rằng mọi smartphone của họ đều cho phép tắt cơ chế tự động sao lưu dữ liệu. Thông tin được người dùng lưu trên dịch vụ đám mây cũng sẽ không bị công ty khai thác hay lợi dụng để chống lại khách hàng.

    RedMi Note.

    Trước đó, thành viên Kenny Li trên diễn đàn IMA Mobile ở Hong Kong nhận thấy rằng chiếc RedMi Note của anh này đã kết nối tới một địa chỉ IP ở Trung Quốc và truyền dữ liệu tới đó mỗi khi Wi-Fi được bật. Hiện tượng này không xảy ra với kết nối 3G và theo Li là để tránh sự chú ý của người dùng. Ban đầu anh này tưởng thiết bị chỉ đang cập nhật firmware, nhưng điều ngạc nhiên là ngay cả khi Li đã root (can thiệp hệ thống) trên điện thoại và đổi sang firmware khác nhưng việc trao đổi dữ liệu ngầm vẫn diễn ra, chứng tỏ tiến trình này đã được tích hợp sâu vào trong máy.

    RedMi Note cùng với Mi-3 là hai mẫu smartphone của Xiaomi đang được bán rộng rãi ở Việt Nam, phần lớn được nhập thẳng từ thị trường Trung Quốc, nhưng cũng có một số máy đến từ Hong Kong, nơi người dùng phát hiện ra hiện tượng tự động gửi dữ liệu nói trên. Chủ một số cửa hàng xách tay khẳng định nếu có thông tin các máy đang bán tại Việt Nam dính hiện tượng kiểu gián điệp thì sẽ không tiếp tục nhập về bán.