Có thể khẳng định, năm 2015 là năm lên ngôi của các smartphone, di động giá rẻ. Trong đó, xu hướng điện thoại tầm trung hoặc thấp, với mức giá thành phải chăng, cấu hình tốt, thương hiệu có thể chưa được nổi bật đang dần người dùng đón nhận nhiều hơn. Minh chứng là sự trỗi dậy của Xiaomi trong năm vừa qua.
Với Xiaomi, dấu mốc đáng nhớ nhất chính là thời điểm Q4/2015, khi hãng tự tin dẫn đầu thị trường di động Trung Quốc, vốn được coi là cực kì màu mỡ. Đồng thời chiếm một suất trong top 5 nhà sản xuất smartphone có thị phần lớn nhất trên thế giới. Thế nhưng, mới đây, IDC cho rằng cuộc vui của Xiaomi sẽ chóng tàn.
Báo cáo mới đây nhất từ IDC cho biết, trong Q4/2015 vừa qua, vị trí thứ 6 của Xiaomi tại thị trường Ấn Độ đã bị thay thế bởi Apple. Đồng thời, bước ngoặt này đã đẩy nhà sản xuất Trung Quốc xuống vị trí thứ 7 trong số các hãng smartphone lớn nhất tại đây. Nhìn chung, thông tin này là một tín hiệu xấu với Xiaomi.
Bảng xếp hạng top 7 của IDC bao gồm những gì?
Bảng xếp hạng của IDC nhằm chỉ ra những nhà sản xuất có thị phần smartphone lớn nhất tại thị trường Ấn Độ. Cho những ai chưa biết, Ấn Độ hiện là thị trường di động lớn thứ 2 thế giới, chỉ chịu xếp sau Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, tầm quan trọng của thị trường di động Ấn Độ là không thể phủ nhận.
Trong khi thị trường Trung Quốc được dự báo là đang bước vào thời kì bội thực smartphone, Ấn Độ được xem là miếng bánh màu mỡ cho các nhà sản xuất. Do đó, sự biến động tại thị trường Ấn Độ sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới các công ty như Xiaomi, nhất là khi hãng điện thoại Trung Quốc đang tìm cách vươn mình ra thế giới.
Bảng xếp hạng này được IDC thu thập dữ liệu từ hơn 30 thành phố lớn nhất tại Ấn Độ. Đặc biệt, 30 thành phố này có tầm ảnh hưởng lớn tới toàn thị trường Ấn Độ, chiếm hơn 50% thị phần di động tại quốc gia này. Với hơn 220 triệu người dùng smartphone hàng tháng, IDC đưa ra những con số sau:
- Nhà sản xuất đứng đầu thị trường Ấn Độ vẫn là Samsung, với khoảng 29,4%, một con số rất lớn.
- Vị trí thứ 2, 4 và 5 lần lượt thuộc về các nhà sản xuất smartphone nội địa của Ấn Độ là Micromax, Lava và Intex.
- Apple, nhà sản xuất vốn nổi tiếng với loạt iPhone đắt đỏ vẫn có thị phần lên tới 4,6% tại Ấn Độ, đạt vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng.
- Hai đại diện tới từ Trung Quốc là Lenovo và Xiaomi lần lượt nắm 10,1 và 3,5% thị phần. Lenovo xếp ở vị trí thứ 3. Còn Xiaomi đã tụt 1 bậc so với quý trước, vị trí thứ 7.
Làm cách nào Apple hất chân được Xiaomi?
Đúng như câu nói cửa miệng, "phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi", Apple vẫn khẳng định được thương hiệu, cũng như vị thế cao cấp của mình tại thị trường Ấn Độ. Đáng ngạc nhiên hơn, ở một thị trường mà mức giá trung bình cho một chiếc smartphone ở mức rất thấp, Apple vẫn bán ra được những chiếc iPhone có mức giá trung bình lên tới 300 USD.
Bất ngờ hơn, tại phân khúc điện thoại cao cấp, Apple hiện chiếm tới 42% thị phần. Nói cách khác là gần như nuốt trọn nhu cầu smartphone cao cấp tại đây. Lý do khiến thương hiệu Apple được người dùng Ấn Độ ưa chuộng tới vậy là bởi, khi công ty có trụ sở tại Cupertino ra mắt bộ đôi iPhone 6s và iPhone 6s Plus, giá của iPhone 5s và iPhone 6 đã giảm mạnh.
Do đó, người dùng vốn ưa chuộng các sản phẩm cấp cao lại có thêm cơ hội sở hữu những chiếc iPhone của Táo Khuyết. Điều này cho thấy, khi được quyền lựa chọn giữa "một sản phẩm có thương hiệu, cấu hình không mới, giảm giá" và "một sản phẩm chưa có thương hiệu lớn, cấu hình tốt, giá vừa phải", người dùng vẫn yêu thích iPhone và Apple hơn.
Xiaomi và những điều còn trăn trở
Sự thành công của Xiaomi tại thị trường Trung Quốc là không thể phủ nhận. Nhưng ngay tại thị trường Ấn Độ, một thị trường có đặc thù và nhu cầu không mấy khác biệt với Trung Quốc, Xiaomi bị hất chân bởi Apple là một vấn đề đáng lo ngại. Minh chứng là hãng này tụt xuống vị trí thứ 7, xếp sau Apple.
Nói một cách hình tượng hóa, Xiaomi - vốn nổi danh với dòng điện thoại giá rẻ lại bất ngờ bị thua cuộc ngay tại một thị trường di động phần lớn là giá rẻ bởi Apple - một ông lớn vốn chỉ kinh doanh smartphone cao cấp, đắt đỏ. Đây có vẻ là một nghịch lý tại chính thị trường Ấn Độ hiện nay.
Tất nhiên, bản thân Xiaomi cũng chuẩn bị cho riêng mình những chiến thuật giá rẻ mới. Như tung ra chiếc Redmi Note 3 phiên bản chạy vi xử lý Qualcomm là một ví dụ. Nghĩa là giá rẻ, nay còn rẻ hơn nữa, cấu hình tốt hơn nữa nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng di động.
Còn liệu hướng đi này của Xiaomi có thành công hay không, vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời ngay lúc này. Có lẽ, chúng ta sẽ cần phải chờ đến bản báo cáo Q1/2016 của IDC trong tháng tới.
Nguồn: Genk.vn